ảnh bìa blog kinh nghiệm chụp ảnh cưới

Kinh nghiệm chuẩn bị đám cưới từ A – Z của mình

Đám cưới là sự kiện trọng đại của cả đời, nhưng cũng là nỗi lo lắng của các cặp đôi “lần đầu lấy vợ/chồng nên còn nhiều bỡ ngỡ”. Mình tất nhiên cũng không phải ngoại lệ, nhưng may mắn là đám cưới của mình đã được tổ chức tươm tất, gọn gàng và vui vẻ. Tất cả là nhờ việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả nửa năm trước của cả hai.

Bài viết hôm nay mình xin chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị đám cưới, không chỉ từ bản thân mà còn được cóp nhặt từ bạn bè xung quanh. Bài viết có một số yếu tố chủ quan, chỉ mang tính chất tham khảo, nói thể để tránh việc các bạn đè đầu mình ra bắt đền nếu không thấy đúng ý nha ><.

Tóm tắt về đám cưới của mình

Mỗi người sẽ có một sở thích và điều kiện khác nhau, nên mình muốn chia sẻ về bản thân để nếu bạn thấy nhiều điểm tương đồng thì yên tâm đọc tiếp nha.

Mình quê ở Hải Phòng còn chồng ở Hà Nội, cả 2 đều đã đi làm được nhiều năm trên Hà Nội, công việc và tài chính ổn định. Sau 4 năm quen nhau chúng mình quyết định tiến tới lâu dài. Mối hôn sự cũng đã được hai bên gia đình đồng ý. Bố mẹ chúng mình đều làm công chức nhà nước nhỏ đã nghỉ hưu, không khá giả nhưng cũng không quá thiếu thốn.

Tiêu chí tổ chức đám cưới của cả hai như sau:

  • Đám cưới giản dị, tiết kiệm nhưng vẫn đầy đủ
  • Đám cưới to cũng được, nhỏ cũng được, vui vẻ là được
  • Tự mình lo liệu và sắp xếp, bố mẹ càng ít vất vả càng tốt

Nếu bạn đồng ý với các tiêu chí của chúng mình, thì đây chính là bài viết về kinh nghiệm tổ chức và chuẩn bị đám cưới siêu đầy đủ và công tâm mà bạn cần tìm. Mình sẽ chỉ nói về công tác chuẩn bị như chụp ảnh cưới, thuê váy cưới, trang điểm, … thui nhé. Còn tất nhiên, khi đã nghĩ đến chuyện kết hôn thì hai bạn cần phải sẵn sàng về tình cảm, tinh thần tài chính, cũng như các thủ tục giữa hai nhà rồi nên mình sẽ không đề cập nữa nha.

Các bước chuẩn cho bị đám cưới

Bước 1: Chọn ngày lành tháng tốt sớm

Sau khi chọn được ngày, bạn mới có thể lên kế hoạch và thời hạn cho từng công việc, vậy nên đây là bước đầu tiên mà bất cứ dâu rể nào cũng cần làm.

Vậy nên đi xem ngày cưới khi nào? Từ 6 tháng đến 1 năm trước khi bạn muốn cưới là thời gian thích hợp nhất để đi xem ngày, đặc biệt khi gia đình bạn quan trọng việc ngày giờ tốt. Bạn nên đi xem vào đầu năm hoặc giữa năm để có nhiều thời gian chuẩn bị.

Chúng mình định ra Tết cưới, vậy nên giữa năm đã chọn đi xem ở một số ngôi chùa có tiếng, nhưng đều bị nhà chùa từ chối vì “chưa có lịch vạn sự của năm sau nên chỉ xem được nếu muốn tổ chức trong năm nay”. Cũng may vì chuẩn bị từ sớm nên chúng mình vẫn kịp tìm được một nơi khác để xem.

Thứ hai, dù bạn có “tín” hay không, thì cũng nên “học thuộc” quy tắc “1, 3, 6, 8 Kim Lâu” (các tuổi kết thúc bằng các số này của cô🍓bị phạm Kim Lâu) và “Cưới vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông” để tránh việc “nếu không cưới năm nay thì 2 năm nữa mới cưới được” như đồng nghiệp của mình: Cả 2 đều muốn cưới cuối năm sau, nhưng cuối năm nay phụ huynh lại muốn làm vì sang năm cô dâu phạm Kim Lâu. Hai bạn trẻ bất ngờ và bần thần mất mấy ngày, rồi vội vã chuẩn bị đám hỏi trong 2, 3 tháng cuối năm ngắn ngủi.

Bước 2: Lập kế hoạch, thời gian biểu, ghi chú từng đầu việc chi tiết

Tổ chức đám cưới cũng giống như việc bạn được sếp giao việc, giao deadline vậy. Bạn cần phải có kế hoạch cụ thể và công cụ để ghi lại, tránh việc gần ngày cưới rồi mới sực nhớ ra mình chưa in thiệp (ví dụ từ chính 1 đứa bạn cấp 3 của mình kkk).

Bạn có thể dùng sổ, ứng dụng ghi chú, excel hoặc thậm chí các app quản lý công việc như Asana, Clickup, Trello. Mình ưu tiên các app có thể đặt due date – thời hạn hoàn thành, để ước tính thời lượng và nhận thông báo khi bị trễ hạn. Còn nếu viết ra sổ, rất có thể bạn sẽ quên bẵng đi mất đó.

Dưới đây là danh sách các việc cần chuẩn bị cho đám cưới mà mình ghi ra ứng dụng trên “Lời nhắc” trên iPhone:

danh sách việc cần làm cho đám cưới

Bước 3: So sánh và chọn các bên dịch vụ cho đám cưới

Một khi Facebook hay Google “nghe lén” được bạn sắp cưới, bạn sẽ được đề xuất hàng loạt các địa điểm, dịch vụ tổ chức đám cưới trọn gói, các studio chụp ảnh, các makeup artist vân vân … khiến bạn choáng ngợp (và mình cũng thế hic). Dù bạn có lưu lại từng fanpage hay website để xem xét dần, mình dám cá mọi thứ trong đầu vẫn sẽ mù mịt, nhớ nhớ quên quên hoy.

Theo kinh nghiệm của mình, chúng ta nên lập 1 bảng so sánh ưu, nhược điểm của các bên để chọn ra bên nào phù hợp nhất. Bảng so sánh sẽ gồm: tên, website, facebook, chi phí, địa điểm, hình thức mẫu mã, … tùy vào từng dịch vụ. Sau khi so sánh, bạn sẽ thấy dễ chọn hơn rất nhiều. Chọn xong rồi thì nhớ lưu lại địa chỉ, liên hệ, link Facebook, … vào phần danh sách công việc đã lập từ bước 2, để khi cần thì dễ dàng tìm lại nhé.

Bước 4: Lên kế hoạch mời cưới

Theo mình, đây là bước khó nhất và cần cẩn thận nhất vì “ma chê cưới trách” :((.

Khi lên danh sách khách mời cho đám cưới, gia đình mình hạn chế mời quá nhiều vì tiệc nhà mình cũng nhỏ xinh thui. Và vì quy mô tiệc nhỏ nên mình dù muốn cũng khó mời cả văn phòng, mà chỉ làm bữa tiệc báo hỉ nhỏ nhỏ cho mọi người ở trên Hà Nội. Việc này tùy thuộc vào từng gia đình nên mình không chia sẻ nhiều ở đây.

Mình cũng ưu tiên việc gặp và đưa tận tay. Với những ai ở xa, mình gọi điện mời rồi gửi ảnh thiệp và thiệp cưới online. Bạn có thể dùng Canva hoặc các phần mềm, ứng dụng hòa toàn miễn phí để tạo thiệp cưới, landing page cho đám cưới.

thiệp cưới online

Bước 5: Ngày trọng đại đã đến

Với cô dâu, các bạn chú ý những việc sau:

  • Tẩy da chết và đắp mặt nạ trước khi trang điểm, tốt nhất là vào tối hôm trước
  • Ngủ sớm dậy sớm vì make up cô dâu và làm tóc thường mất 3 tiếng
  • Để hết đồ đạc cần thiết ra ngoài như: lens, váy cưới, độn ngực, dây buộc váy cưới, tùng váy, voan, giày/guốc, … để lúc cần dùng sẽ nhanh hơn
  • Khi đón dâu sẽ rất tất bật, nhất là khi hai gia đình ở xa, vậy nên bạn đừng bỏ quên đồ ở nhà nhé. Ví dụ, sau khi đeo lens và trang điểm xong, mình đã quên mang theo kính và đồ đeo lens, nước ngâm lens lên Hà Nội huhu :((. Tốt nhất bạn cũng nên làm danh sách đồ đạc và nhờ 1 người thân (thường là cô bạn độc thân vui tính xách vali giùm) soát giúp nhé.

Với chú rể, công việc có thể đơn giản hơn (hoặc do ông chồng mình đơn giản):

  • Cũng ngủ sớm dậy sớm nè
  • Kiểm cho đồ đạc, tráp bê lễ, số điện thoại nhà xe, … 1 lượt nè
  • Kiểm tra vest có bị bung cúc không, giày có đánh xi bóng loáng chưa, có keo vuốt tóc không, cạo râu chưa, …
  • NHỚ MANG HOA CƯỚI việc quan trọng phải viết thật to

Nếu như bạn đã chuẩn bị các thứ các thứ thật kỹ càng rồi thì hôm chính lễ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm chọn váy cưới và chụp ảnh cưới

chụp ảnh cưới gia lai núi lửa chư đăng nha hoa dã quỳ
Bức ảnh tâm đắc ở núi lửa Chư Đăng Ya Pleiku mùa hoa dã quỳ

Bọn mình có 2 bộ ảnh, một bộ ngoại cảnh chụp ở Pleiku khi đi du lịch Tây Nguyên, và một bộ studio ở Hà Nội. Tổng chi phí của cả 2 lần chụp ảnh, bao gồm cả thuê 2 váy 1 áo dài rơi vào khoảng 8 triệu đồng – một chi phí vừa xinh so với việc thuê ekip chụp ngoài trời hay phim trường ở Hà Nội.

Dưới đây là kinh nghiệm chọn váy cưới và chụp ảnh cưới tiết kiệm mà vẫn đẹp của mình:

Xác định mẫu váy bạn thích.

Bạn 🍓 thích váy đuôi cá hay dáng xòe, vải trơn hay đính kim tuyến hột xoàn, dáng dài hay dáng ngắn, cúp ngực hay kín tay, … Ngoài váy, bạn còn phải tìm hiểu các mẫu áo dài đón dâu nữa, là kiểu vải ren hay vải trơn, màu trắng hay màu đỏ, áo dài cặp hay áo🍓 thui. Hzzz, nghe mà thấy loạn hết cả đầu rồi đúng không. Nhưng nếu không xác định được trước khi đi thuê/may, bạn sẽ khá mất công khi chọn và thử đi thử lại nhiều lần đó.

Giá váy cơ bản hiện tại từ 1 – 2 triệu / lần thuê, còn các loại váy cao cấp hơn sẽ từ 3 – 5 triệu, hoặc các dòng luxury hơn thì mấy chục 🍠. Nhưng nếu bạn kết hợp thuê váy ở studio chụp ảnh thì giá sẽ ưu đãi hơn.

Kinh nghiệm chọn váy đi bàn: chọn loại nhẹ nhàng, không quá dài hay nhiều tầng để đi lại dễ hơn. Đặc biệt với các bạn rước dâu xa như mình thì nên ưu tiên loại váy không có tay, vì phần váy nặng sẽ kéo phần vai xuống rất đau.

Dù mình đã chọn loại nhẹ nhàng nhất như ảnh dưới, mình vẫn bị đau vai mất nguyên ngày hôm sau đó hiuhiu.

Xác định phong cách chụp ảnh cưới

Bạn muốn chụp ngoại cảnh trên đường phố, khu du lịch, hay phim trường? Bạn muốn chụp ở studio có phông nền trơn, hay studio có bố trí hoa cỏ, rèm cửa. Bạn muốn màu phim cổ điển hay hàn quốc, style sexy hay nghịch ngợm, khác biệt?

Đấy, có bao nhiêu thứ cần chọn :((

Kinh nghiệm chụp ảnh cưới của mình đó là: nếu cả 2, đặc biệt là chú rể không biết “diễn”, hãy chọn phong cách đơn giản nhẹ nhàng, chỉ cần đứng cười, nhìn nhau, nắm tay, … chứ không cần phải “gồng” hay nhập vai gì hết. Hoặc bạn có thể kết hợp đi du lịch với chụp ảnh để bức ảnh tự nhiên, không giống như bị “ai ép cưới” nha 😬.

chụp ảnh cưới biển hồ pleiku
Chụp ảnh cưới ở biển hồ pleiku

Cách chọn studio chụp ảnh, thuê váy cưới

Cũng như đã nói ở phần đầu tiên, mình đã lập file excel so sánh các studio bao gồm giá cả, địa điểm, các phúc lợi, ưu đãi, mẫu váy, phông nền, màu ảnh, phong cách chụp, make up, … để tìm ra bên ưng ý nhất.

Túm cái váy cưới lại thì đây là các tips chọn studio của mình:

  • Chọn các địa điểm ở gần nhau, vì nếu đi xem bên này không ưng, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến bên khác để xem.
  • Thuê trọn gói chụp ảnh + thuê váy + thuê vest + trang điểm sẽ tiết kiệm hơn so với tách riêng. Cái này tùy xem có bên nào đáp ứng tất cả các tiêu chí của hai bạn không nha.
  • Nếu bạn đi du lịch và muốn kết hợp chụp ảnh, bạn nên tìm và thuê studio ở nơi bạn đến luôn, như thế sẽ đỡ chi phí đi lại cho ekip chụp. Bạn chỉ cần tìm các nhóm Facebook hội chụp ảnh hay hội cô dâu sắp cưới của tỉnh, thành phố đó thôi là sẽ hỏi được kha khá địa chỉ hay ho đó.

Các tip chuẩn bị đám cưới tiết kiệm khác

Cưới xin là chuyện trọng đại cả đời, với quan niệm đó nên ai cũng muốn làm mọi thứ tốt nhất, chỉn chu nhất và thậm chí không tiếc tiền bạc hay thời gian. Tuy nhiên, cũng chính vì quan niệm đó mà các dịch vụ cưới đã “thổi giá” tất cả mọi thứ liên quan đến chữ “cưới” lên.

Hoa cưới cầm tay cô dâu

Ví dụ, một bó hoa đẹp bình thường có giá 300k, nhưng khi nó là hoa “cưới” thì giá sẽ là 600k, 700k (dù vẫn là loại hoa đó). Nếu có thời gian, hoặc khéo tay chút thôi, bạn có thể mua về tự bó hoặc mang ra các cửa hàng, dịch vụ bó hoa. Bạn cũng có thể mua hoa lụa cầm tay, vừa rẻ, đẹp mà có thể dùng lại cũng như không sợ dập nát khi vận chuyển.

Dưới đây là link mua hoa lụa cầm tay của mình.

Tiện thể thì xin phép gắn link hashtag cầm tay chụp ảnh ở đây lun ạ.

Có nên mua giày cưới hay không?

Một ví dụ khác đó là giày cưới – rất đẹp nhưng khó dùng lại để đi hàng ngày hay phối với các món đồ khác :(. Nếu thích, bạn có thể mua thêm phụ kiện trang trí giày cô dâu cho thêm phần lung linh, sẽ rẻ hơn rất nhiều so với mua 1 đôi mới.

Bên cạnh đó, bạn nên chọn giày với độ cao vừa phải, không bị kích mũi chân để nâng niu bàn chân cô dâu suốt mấy tiếng đồng hồ nhé.

Của rẻ không phải lúc nào cũng là của ôi

Tất nhiên ai cũng muốn chuẩn bị mọi thứ tốt nhất, và quan niệm rằng giá cả đi đôi với chất lượng. Mình hoàn toàn đồng ý, nhưng không phải “của rẻ lúc nào cũng là của ôi”. Bởi vì mình đã lập bảng so sánh và tham khảo, tìm hiểu rất kĩ, cộng thêm chút may mắn nữa, nên đã tìm được những bên dịch vụ vừa rẻ lại vừa có tâm. Kết quả thì như các bạn đã thấy ở những bức ảnh xuyên suốt bài viết này, cũng okla phết đúng không nào.

Dưới đây là các contact ngon-bổ-rẻ của mình:

  • Studio chụp ảnh + thuê váy, vest ở Hà Nội: June Wedding Xã Đàn. Makeup và chụp ảnh ổn, còn váy thì lại rẻ, đẹp và mới. Giá cả chỉ bằng 1/2 chỗ khác.
  • Studio chụp ảnh ở Pleiku: Sunlight Studio, có kèm makeup và đưa đón tận nơi chụp.
  • Make up cô dâu đám cưới và đám hỏi ở Hải Phòng: chị Nga Ruby siu cẩn thận tận tâm và đúng giờ.
  • Chụp ảnh ăn hỏi + rước dâu Hải Phòng – Nội + đám cưới nhà trai: Anh Mai Nhật, chụp từ 5h sáng tới 1h trưa nhưng lấy giá chỉ bằng 1/2 so với các nháy khác, rất có tâm và chỉnh màu siu đẹp ạ. Background ở nhà hàng tối om mà vào tay anh là sáng bừng như studio.

Túm cái váy cưới lại là

Dù bạn có chuẩn bị kỹ đến đâu thì thiếu sót là điều khó tránh. Kể cả khi mình ngồi đây viết bài thì ở nhà, các bậc phụ huynh vẫn đang chép miệng một điều gì đấy. Hay như việc mình thích bộ váy này, lớp trang điểm kia, thì vẫn sẽ có đôi lời thì thầm rằng cái A đẹp hơn, cái C hay hơn.

Vậy nên túm lại là bạn, đúng, chính bạn cảm thấy thế nào. Miễn là hai bạn cảm thấy hài lòng, vui vẻ, thì hãy mặc kệ cả thế giới chê chiếc váy bạn mặc, bó hoa bạn cầm hay màu son bạn tô. Và sau cùng, chỉ cần hai bạn ở với nhau hòa thuận và êm ấm, những điều nho nhỏ chưa hài lòng trong đám cưới đều có thể được bỏ qua phải không nào?


Đăng vào ngày

Thuộc mục

bởi

Chia sẻ bài viết này với bạn bè của bạn

Comments

2 responses to “Kinh nghiệm chuẩn bị đám cưới từ A – Z của mình”

  1. The Delayed Monday Avatar

    Đám cưới ấm cúng vui vẻ confem nha 😍 bài review có tâm quá xốp ơi, chúc xốp sớm cút lên top 1 🥰🥰🥰

    1. bichloc Avatar

      Cảm ơn bà nha, đọc lấy kinh nghiệm dần nha bà ơiii

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *