Cuốn tưởng ký số 1: Quê ngoại mình ở Ninh Bình

“Nó rút những sợi ký ức lấp lánh như tơ từ thái dương ra, những sợi ký ức mảnh đung đưa tựa hồ sương khói, được thả rơi vào cái vạc bằng đồng đựng một thứ chất lỏng vô hình. Nó cúi đầu xuống, thấp dần, thấp dần, từ mũi truyền lên một cảm giác khỏ tả, rồi đến mắt, đến tai, rồi cứ thế, nó rơi vào chiếc Chậu tưởng ký, một lần nữa lại xuất hiện trong cơn mơ của tuổi thơ.”

Dạo này mình có thói quen ngồi ghi âm lại những trải nghiệm, câu chuyện thú vị từ ngày xửa ngày xưa vào máy, xong rồi upload lên soundcloud cá nhân để làm podcast. Mình sợ một ngày nào đó mình quên hết đi những kỷ niệm ngày xửa ngày xưa, nên phải ghi lại rồi sau này có chuyện kể cho con cháu. Những bản ghi âm như những sợi ký ức, khi nào cần lại có thể cho vào chiếc Chậu tưởng ký để xem lại.

Nhưng có những hình ảnh không ghi âm được, nên nhân một ngày đau đầu mất ngủ mình ngồi lục lại email clone rồi viết vào đây.

Cuốn tưởng ký đầu tiên (và có thể là duy nhất vì mình lười viết quá =))) ) sẽ là về ông bà ngoại của mình.

Edit: may quá vẫn có cuốn tưởng ký số 2, mời các bạn đọc Những tai nạn thuở nhỏ của mình ở đây nha.

Lần đầu tiên về quê gặp ông bà ngoại

Lần đầu tiên về quê ngoại mà mình nhớ được, chắc là hồi mình 3, 4 tuổi gì đó. Mình chỉ nhớ là phải bắt tận 2 chuyến xe khách, đi 4, 5 tiếng mới về đến nhà ông bà. Hồi đó còn không biết mặt ông bà ngoại như nào, cứ ngơ ngơ ra, chỉ biết là ngồi xe lâu gì mà lâu thế không biết.

Về đến nhà ông bà thì mình bật ngửa, vì nhà ông bà khác lắm, kiểu nhà ngói, tường gạch vôi rêu cáu bám đầy, đường đất đầy rơm và cứt bò. Bước qua cái cổng bằng tre lỏng lẻo là khoảng sân gạch đỏ vương vãi cám gà. Bên tay phải là căn nhà lúp xúp với bậc thềm cao đến nửa mét, bên trái là căn bếp phủ đầy mạng nhện và muội than. Phần ‘nhà’ chỉ chiếm 1/4, còn lại là sân và mảnh vườn tạp nham vừa rau vừa cây ăn quả.

Đây là bức ảnh hiếm hoi mình còn giữ lại được về căn nhà của ông bà, được chụp hồi lớp 9 gì đó, lần đầu mình có điện thoại và được về quê một mình.

Đây là ‘hệ thống’ lấy nước mưa của ông bà nè

Như bao căn nhà ở thôn quê bắc bộ, nhà ông bà hồi đó dùng nước mưa để ăn và có cả một ‘hệ thống’ hứng nước mưa từ mái nhà để lọc xuống bể qua 1 chiếc khăn cũ mèm. Hồi mới về quê thấy anh chị họ múc nước từ bể để uống, mình tưởng nước lọc như ở phố nên vô tư uống thử , may mà không bị đau bụng =)).

Quê ngoại mình đẹp như trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh ấy

Khác với kiểu trẻ con ở phố về quê, mình hòa nhập rồi hòa tan nhanh chóng. Quê ngoại lúc đó còn nghèo lắm, nhưng đẹp vô cùng.

Đi trên con đường đất nhão nhoét khi mưa và đông két lại lúc nắng, phóng mắt ra xa là những dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, ẩn ẩn hiện hiện. Gần hơn một chút là cánh đồng chạy thẳng tít tắp, bị cắt ngang bởi dòng sông trong vắt. Ở nhà mình toàn ngủ đến 9h, nhưng về quê, cứ 5h là lại dậy đi chợ với ông, ngắm chợ họp ở bãi cát ven sông, nghe tiếng thùng xách nước va vào nhau lách cách của các bà đi chợ sớm. Con sông trong xanh phả bóng tre êm ả, thi thoảng lại gợn lên 1 đợt sóng người ta quăng lưới bắt cá tôm.

Đường đi vào nhà bà hồi đó phải qua 1 đoạn đường đất giữa 2 cánh ao. Đây cũng là đoạn đường mình thích nhất, thích đến nỗi dù không có máy ảnh, mình vẫn có thể ngồi đây vẽ ra được hai bờ hàng rào làm bằng một loại cây bụi gì đó lá giống cây me. Mình sẽ cùng chị họ đi hái quả của cây đó về làm đồ chơi, rồi chạy đuổi theo đàn chuồn chuồn đậu lim dim trên bờ rào. Thi thoảng, gió xô mạnh một cái, đẩy những cánh chuồn chuồn dạt đi xa, làm 2 đứa trẻ con suýt thì lộn nhào xuống ao đầy bèo tấm.

Mình yêu những hương vị

Nhà ông bà cũ kĩ, cái gì cũng có niên đại mấy chục năm, nhưng mọi thứ trong mắt mình đều hấp dẫn, đều lạ lẫm. Mình thích ngồi ở hiên nhà ngắm mưa, ngắm cây cối vần vũ xoay vòng trong cơn giông và đàn gà thì rũ cánh ở mép chuồng. Mình yêu cả mùi nồng của đất bốc hơi, yêu cả cái vị phân bò thoang thoảng trước cửa nhà, hít hà mùi khói ám vào từng món ăn bà nấu.

Đến giờ mình cũng không nấu lại được những món kinh điển của bà. Món canh rau đay mồng tơi nấu với mắm tôm nêm nhiều muối và bột ngọt của bà là món canh ngon nhất cuộc đời này. Món thịt kho mặn gắp một miếng ăn được cả bát cơm nghĩ lại thấy hại thận, nhưng mãi mãi mình không nấu theo được. Bởi vì đó là những món ăn được nấu bởi người thân yêu nhất, vào những ngày đầu năm tháng cuộc đời một đứa trẻ.

Mình yêu những cái cây

Nhà ông bà chẳng có gì, chỉ có cây nhà lá vườn trồng sẵn. Mẹ hay trách ông bà cháu về chả thịt cho được con gà, nhưng hồi đó (và cả bây giờ) mình chỉ quan tâm đến táo, đến na, đến nhãn đến vải mà thôi.

Đằng sau bể nước là đôi cây na trĩu quả, trong vườn là dăm cây táo ta che rợp cả mặt đất, rồi bước xuống những phiến đá lát lối đi đầy phân gà là cây nhãn già khú đế. Bên mảnh đất góc phải vườn, ông dắt thêm bụi chuối, cây khế chua, rồi có năm lại trồng cây hồng xiêm sai trĩu. Ông bà có tay trồng cây ăn quả lắm, cứ cây ông ghép hộ ai là cây đó tốt, còn cây người ta mua về trồng thì chỉ thấy lá thấy hoa.

Người yêu mình hay ngạc nhiên vì mình biết nhiều cây thế, là vì đây chứ đâu. Mình còn ăn na nhiều đến nỗi bây giờ không muốn ăn và ăn cũng không thấy ngon bằng na ông bà trồng nữa.

Mình yêu những âm thanh

‘Đây là đài tiếng nói …’ âm thanh quen thuộc này nghe vào 6h sáng ở một vùng quê vắng lặng sẽ khác rất nhiều khi mình trùm chăn ngủ ngon lành ở phố xá đông đúc.

Sáng nào mình cũng tỉnh dậy bởi tiếng loa, rồi mở mắt ra thấy ông bà đã dậy từ lâu lắm rồi, thấy tiếng bà cầm chổi cùn quét sân loẹt xoẹt, rồi tiếng ti vi tập thể dục buổi sáng của ông.

Rồi tiếng gà gáy, gà cục tác, tiếng vịt chạy đồng, tiếng lục lạc bò, tiếng người làng chào hỏi nhau: ‘bà đi đâu vầy!’. Mình về quê 1 tuần là bị nhiễm ngay cái chất giọng làng Đế, luôn thêm chữ ‘vầy’, ‘nhây’ vào cuối câu và kéo dài giọng ra khi nói chuyện. =))

Quan trọng nhất, là mình yêu ông bà

Mình lớn lên với bố mẹ và chị gái ở cạnh, ngoài ra cũng không có nhiều tình cảm từ họ hàng. Vậy nên dù ông bà ngoại không ở gần, cũng phải 2, 3 năm mới được gặp, nhưng mình lại rất thích ông bà. Ông bà chẳng tưng tiu chiều chuộng mình theo kiểu 1 đứa cháu cưng ở xa lâu mới về, vì mình chỉ là cháu gái ngoại thôi. Nhưng ngoài bố mẹ ra nào có ai ngoài ông bà nấu cơm cho mình ăn, có ai cho mình ở rịt cả mấy tuần trời, có ai gói ghém bánh trái cho mình mang ra Hải Phòng, cũng có ai dấm dúi cho mình mấy chục tiền xe.

Mình thích ăn canh xuông, thích ăn thịt kho mặn không phải vì mình thích ăn, mà vì đó là đồ bà nấu, đồ ông lom khom đi chợ. Cả đời này mình sẽ chẳng quên được cảnh bà bê cái lưng còng sát đất đi nhóm lửa nấu cơm, rồi ngồi canh cháu rửa bát vì sợ cháu dùng hết sạch nước trong bể cả.

Với mình, ông khô khan, trầm mặc hơn. Ông chả bao giờ cười với đứa cháu ngoại này cả. Cứ tối đến, lúc 7h là ông tắt hết điện, chỉ để mỗi cái ti vi xem phim, rồi 8h là tắt ti vi đi ngủ. Đến nỗi cháu ngồi kêu muỗi đốt, chạy ra bật điện một lúc rồi lại bị ông tắt đi. Ông, trong mắt người khác có thể đáng trách, nhưng mình chưa bao giờ cảm thấy không thích ông cả, dù có bao cuộc cãi vã trong nhà xảy ra.

Đây là bức ảnh duy nhất hai ông cháu chụp với nhau, và bức ảnh hiếm thấy ông cười.

Ông mất vào hồi mình mới lên năm 3 đại học. Đám tang ông là lần đầu tiên mình khóc trong một đám tang.

Người ta giàu quá, mua cả tuổi thơ của tôi đi mất

Mỗi lần đi qua căn nhà rào bằng tường bê tông thay vì hàng cây với đám dây tơ hồng, mình lại ngẩn ngơ nghĩ như thế. Cuối cùng thì ông bà cũng bán căn nhà và mảnh vườn để dọn qua nhà bác trai mình ở.

Hỡi ôi, người ta phá cả căn nhà đáng lẽ phải cho vào viện bảo tàng ấy đi, người ta đập cái bể nước đầy rêu, đập căn bếp đầy khói rơm, đập cái tường gạch cũ kĩ, chặt cây na, cây táo, cây nhãn, chỉ để lại cái giếng nước, và một mảnh tuổi thơ của mình ở lại.

“Người ta chỉ thực sự chết đi khi không còn ai nhớ về họ”. Mình tin rằng căn nhà của ông bà chỉ thực sự biến mất khỏi thế gian này khi mình không còn trên cuộc đời này nữa. Và cả ông, hay kể cả bà cũng vậy, họ vẫn sống khi ít nhất vẫn còn một đứa cháu ngồi đây gõ phím lưu lại những hình ảnh ít ỏi này.

Còn rất nhiều câu chuyện hay ho về quê ngoại của mình, mà một ngày nào đó nếu hết lười, mình sẽ lại ngồi đây và viết.


Đăng vào ngày

Thuộc mục

bởi

Chia sẻ bài viết này với bạn bè của bạn

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *