HÀ GIANG – NƠI ĐẸP NHẤT TỪNG ĐẾN- ĐẸP THẬT CHỨ KHÔNG ĐÙA

Đây là bài viết cho tạp chí Thị Trấn 706 của VPV Club mà mình viết, ngoài những cảm xúc chân thực của mình (bị chị biên tập cắt đi 1 cơ số rồi) thì còn chèn mấy đoạn PR cho hoạt động của club nên nghe hơi điêu điêu. À nhưng không điêu đâu, vì đây là chuyến đi trên dự án vùng cao đầu tiên mình thực sự chạy, thực sự chạy nhé, vì mang tiếng là tham gia mấy chương trình kiểu này nhưng ở trường thì đâu có thực sự được chạy suốt 2 tháng dài vất vả như này đâu, vậy nên những gì VPV club làm là thật.

Chuyến đi ở Trù Lủng, Mèo Vạc năm 2017, hồi mà mình mới làm cộng tác viên của VPV Club, bây giờ thì già rồi, sắp ra khỏi ban điều hành, chắc cũng sắp out khỏi club, nên muốn đăng lại lên đây cho lưu giữ thanh xuân. Không phải điêu đâu, lần đầu tiên mình đi đến 1 nơi đẹp đến ngộp thở như thế, vì mình đâu có được đi nhiều đâu. Hoặc là vì 1 lí do nào đó, mình luôn dành 1 tình cảm đặc biệt cho vùng Tây Bắc, nó đẹp kiểu hoang sơ choáng ngợp, chứ không kiểu điệu đà như Đà Nẵng hay Hội An, Hà Nội hay Hải Phòng mà mình từng đi, từng ở.

Hành trình bắt đầu đi Hà Giang

21h tối – kết thúc hành trình hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi xe khách, Hà Giang đón chúng
tôi bằng cái mùi không khí ẩm ướt sau cơn mưa bất chợt. Đoàn chúng tôi dừng chân
tại Uỷ ban nhân dân xã Khâu Vai, tập kết đồ đạc, cơ sở vật chất quyên góp được để
chuẩn bị ngày mai cùng người dân chuyển lên điểm trường.

9h sáng, nắng đã nhuộm vàng những quả đồi phía xa.

Con đường chúng tôi đến điểm trường dài 6 cây số, sỏi đá giăng đầy đường, chênh vênh, uốn lượn trên các quả đổi ở độ cao hơn 3000m. Vì địa hình trắc trở, lại thêm khối lượng đồ quyên góp khá nhiều, chúng tôi buộc phải sử dụng hình thức đi bộ để kịp đến trước 12h. Người dân trong bản đến gùi giúp chúng tôi bàn ghế, bảng, dụng cụ nhà bếp, chăn, quần áo ấm, sách vở… Chúng tôi ai nấy tròn mắt nhìn những người phụ nữ Mông mặc trên mình bộ váy hoa thêu sặc sỡ, cả những em gái chỉ đứng đến ngang vai mình gùi cả hai chiếc bàn học sinh sau lưng, chân đi thoăn thoắt, vượt qua những mỏm đá lồi lõm trên con đường đất ngoằn ngoèo. Còn chúng tôi, những thanh niên sức dài vai rộng, thở hổn hển không ra hơi, chia nhau xách mỗi người một ít đồ vừa đi vừa nghỉ, thoáng cái đã chỉ còn thấy bóng các chị, các em xa khuất sau những nương ngô.

1h chiều, tất cả mọi người trong đoàn đã có mặt tại điểm trường mới xây – nằm trong Dự án “Trường học thân thiện, thắp sáng tương lai” của VPV Club và Sao Biển.

Ngôi trường xây trên khoảng đất giữa đồi, đơn giản nhưng chắc chắn, gọn gàng và khang trang. Không còn những mái nhà lưa thưa dột nát, các em dân tộc Mông giờ đã có thể đến trường như các bạn miền xuôi, học hát, múa, học tiếng phổ thông trong điều kiện tốt hơn. Các em còn được nhận bàn ghế, đồ dùng học tập, hệ thống điện mặt trời từ các nhà tài trợ: trường Archimedes Academy, bệnh viện Xanh Pôn và nhiều nhà hảo tâm khác. Từ giờ, lớp học của các em sẽ đầy đủ hơn, những tiết học trọn vẹn hơn trong tiếng cười trong trẻo, giòn tan của những gương mặt sáng ngời. (đoạn này nghe có vẻ hơi sáo rỗng, nói quá một chút vì mục đích PR, nhưng đây cũng đúng là những gì VPV club mang đến. Còn các em có vui hay không thì…trẻ con mà, có người đến chơi là vui rồi, chứ có biết được mấy thứ vật chất có giá trị gì đâu)

Món quà bất ngờ mà chúng tôi đã dành tặng các em đó là một sân chơi tái chế với
những bục nhảy, bập bênh đầy màu sắc làm từ lốp xe ô tô, xe máy.

Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi rời khỏi điểm trường nằm tách biệt trên quả đồi xa.
Người dân và các cô giáo vẫy tay chào, các em nhỏ đứng nhìn đoàn người đi chuyển với ánh mắt vẫn đầy bỡ ngỡ như khi chúng tôi đến. Sau chuyến đi này, chúng tôi hy vọng mình sẽ giúp đường đến với con chữ của các em bớt gian nan hơn trước.

Còn những chuyện chưa kể khác về chuyến Tình nguyện Hà Giang

Tôi cùng anh Chủ tịch VPV Club và một bạn TNV nữa lên Mèo Vạc, Hà Giang trước 2 ngày để set up đồ. Vậy nên nếu hỏi tôi về nơi đây, tôi có nhiều câu chuyện để kể lắm – những câu chuyện mà tôi thật may mắn khi quyết định lên sớm trước các bạn khác để chứng kiến và trải nghiệm. Hà Giang – tôi nhớ về nơi ấy với mây mù và sương, về những con đường đèo nếu ngồi trong xe không vững thì người sẽ nghiêng theo độ dốc của đường. Nhưng cái tôi nhớ hơn ở đây đó là tình người.

Đến trung tâm xã Khâu Vai, tôi bị sốc, vì ở đây có wifi, có điện, có đường nhựa,…không khác gì chỗ tôi ở là mấy. Ba chúng tôi được các cô giáo ở trường mầm non xã, các anh cán bộ đón tiếp nhiệt tình, rồi tối hôm ấy cả 3 được mời ăn thịt, uống rượu ngô.

Trong đêm men, tôi tự hỏi, ở đây sao đầy đủ vậy?

Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi đi bộ đến điểm trường Khâu Vai nằm tách biệt trên những quả đồi cách 6 cây, mà là 6 cây đường đất, đất toàn đá tai mèo, hết “đổ đèo” lại “lên đèo” dốc đứng, chẳng thấy nhà dân đâu, chỉ toàn nương ngô, bí đỏ, đá và núi, khác với trung tâm xã.

Tuần nào, các em nhỏ ở đây cũng đi bộ 6 cây đường đất dốc lên xuống vắt vẻo quanh đồi để đến trường. Tôi thầm nghĩ: “Nếu là các em ở đây, chắc mình cũng không muốn đi mấy quả đồi để đến trường mất”. Trưa hôm ấy, ngồi ăn cùng các cô giáo, được nghe kể chuyện tôi mới ngỡ ra, ở đây còn thiếu thốn lắm, cái đủ đầy chỉ là tình người mà thôi.

Khoảng 10 năm trước, xã Khâu Vai chưa có điện, đường, trường như bây giờ, kể cả Uỷ ban trung tâm xã, sóng điện thoại thì đến tận nhiều năm sau mới có, còn mạng internet là mới có gần đây.

Trước kia các cô giáo muốn gọi điện phải dùng máy bàn, tín hiệu rất kém để liên lạc với
người nhà, chứ làm gì có sóng di động, wifi như bây giờ, “được như này là cả một quá trình và sự đầu tư của nhà nước đấy chứ”- các cô kể.

Các cô lúc mới lên còn phải đi bộ xa gấp mấy lần chúng tôi, lên tận quả đồi dốc đứng phía trên, ngày nào cũng phải vận động các em đến trường, có những lúc còn mệt đến phát khóc. Còn ngày 20 tháng 11, nhìn đồng nghiệp dưới xuôi mà các cô nói cũng thấy tủi thân lắm, nhưng biết sao được, chỉ cần các em đi học đầy đủ, là các cô ngày nào cũng
được nhận quà rồi.

Kết

Hà Giang ấy, còn nhiều chuyện chưa kể lắm. Chuyện về các cô giáo đi cả quãng chợ xa mua rượu thịt về đãi chúng tôi, chuyện về lọ măng ớt với bát mèn mén của các cô mà chúng tôi ăn gần hết, chuyện về bà con người Mông gùi đồ giúp lũ thanh niên bọn tôi, còn những em bé dân tộc xinh như búp bê, vừa ngây ngô, vừa hoang dại mộc mạc như những bông hoa rừng cười với các anh chị nữa. Kể chắc đến mai cũng không hết, thế nên đến giờ về rồi vẫn thấy hụt hẫng nhớ nhung cái mảnh đất toàn ngô với đá


Đăng vào ngày

Thuộc mục

bởi

Chia sẻ bài viết này với bạn bè của bạn

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *